Với hơn 400 đại biểu tham dự và được kỳ vọng sẽ là một trong những sự kiện được tổ chức thường niên, sự kiện này cho thấy sự quan tâm lớn của các DN, nhà đầu tư với các dự án đô thị xanh và cũng là cơ hội để các chủ đầu tư xây dựng định hướng, quy hoạch phát triển các sản phẩm BĐS trong tương lai.
Thế nào là đô thị xanh?
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, “đô thị xanh” là khái niệm mới xuất hiện, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các nhà đầu tư BĐS. Đô thị xanh càng ngày càng trở nên quan trọng khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ngày một gia tăng ở các đô thị lớn, người dân ngày càng ao ước được sở hữu ngôi nhà thoáng đãng trong không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn tiện nghi. “Một đô thị xanh phải đạt 7 tiêu chí: Không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa, cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên” - ông Chính cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, theo PGS-TS Lưu Đức Hải, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm nào rõ ràng, cụ thể về đô thị xanh, tuy một số văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong KĐT như là hệ thống cây xanh, mặt nước. “Khá nhiều KĐT mới hiện nay, chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận đã bỏ qua hoặc thu hẹp đến mức tối thiểu diện tích này, trong khi đây lại là không gian sống rất quan trọng của KĐT, đem lại giá trị cả về tinh thần lẫn giá trị kinh tế cho chính KĐT đó” - ông Hải nói.
Bài toán quy hoạch
Để thực hiện được các tiêu chí trên, ông Lưu Đức Hải cho rằng: Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố “xanh” lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà còn cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan.
Còn theo ông Lê Trọng Bình – Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh. Tuy rằng, một số KĐT mới ở Hà Nội, TPHCM và một số đô thị lớn khác đã có các KĐT mới được quy hoạch và xây dựng theo hướng tiệm cận với mô hình KĐT xanh, KĐT sinh thái. Nhưng trên thực tế, do chưa có bộ tiêu chí về đô thị xanh, chưa có công trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá phân loại các đô thị Việt Nam theo các tiêu chí đô thị xanh nên nhiều KĐT hiện nay thường tự lập tiêu chuẩn theo kiểu “tự phong”, tùy cảm nhận đánh giá của nhà đầu tư và người dân sống trong KĐT” - ông Bình nói.
Một thực trạng khác là việc xây dựng đô thị xanh ở nước ta đang gặp phải trở ngại lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị còn rất thấp kém, đặc biệt là hệ thống công trình giao thông, hệ thống cấp nước, không gian xanh còn rất nhỏ bé...
Tuy vậy, ở góc độ là một chuyên gia trên thị trường BĐS, ông Phan Thành Mai cho rằng, chính với những bất cập ấy và với nhu cầu ngày càng lớn của người dân về một không gian sống rộng rãi, thoáng mát thì đây sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong thời gian tới. “Những KĐT có nhiều không gian xanh sẽ ngày càng có giá. Cơ hội sẽ đến với những chủ đầu tư ngay từ bây giờ chú trọng yếu tố này” - ông Mai khẳng định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể thực hiện được mô hình đô thị xanh, chủ đầu tư phải tốn chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn trong khi hiệu quả từ công trình xanh lại đến sau thời gian dài, vì vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới lợi ích lâu dài này. Đi kèm với chính sách ấy là chế tài quyết liệt của các cơ quan quản lý với các chủ đâu tư xây dựng các KĐT mới không tuân thủ các tiêu chí về không gian xanh.