Giải quyết nợ xấu, hàng tồn
Theo ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong năm 2012, một số chính sách quan trọng hướng đến thị trường BĐS được ban hành như: quyết định loại BĐS ra khỏi danh mục phi sản xuất vật chất, Nghị quyết 13 của Chính phủ về gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cho phép doanh nghiệp hoãn nộp thuế một thời gian, Quỹ đầu tư BĐS được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành…
Như vậy, dù không còn chính sách thắt chặt nào đối với thị trường BĐS nhưng thị trường này vẫn tiếp tục trầm lắng. Cuối năm 2012, khoảng gần 70.000 căn hộ tồn kho, nhiều dự án giảm giá 5 – 10%, thậm chí giảm nhiều hơn vẫn không bán được. Nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu và hàng tồn là hai tác nhân gây nên tình trạng đóng băng của thị trường BĐS.
Do đó, trong năm 2013, để phá vỡ “tảng băng” này, phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của nền kinh tế và việc giải quyết vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng, củng cố niềm tin thị trường để thị trường BĐS đi vào ổn định và hồi phục. Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển nhận định, việc khủng hoảng niềm tin đã khiến thị trường BĐS bị trầm lắng. Với thực tế giá căn hộ liên tục giảm và thông tin lượng hàng tồn kho rất lớn đã khiến cho nhiều nhà đầu tư và người mua nhà để ở vẫn kỳ vọng giá căn hộ tiếp tục giảm. Trong khi đó các doanh nghiệp cho rằng giá đã tới đáy, không thể giảm hơn.
Theo TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức , tuy hiện nay nhu cầu có khả năng thanh toán của người dân đang tạm thời chựng lại do thu nhập thực tế còn thấp cộng với sự khủng hoảng niềm tin vào thị trường tác động đến hành vi mua sắm và đầu tư. Bởi không ai đi đầu tư khi không có niềm tin vào những dự án “không có ánh sáng đèn”. Nhưng nếu căn bệnh được bắt đúng và được chữa trị khôn khéo, kịp thời thì tình hình sẽ xoay chuyển rất nhanh.
Trong năm 2013 sắp tới, thị trường BĐS được nhận định là khu vực được Chính phủ quan tâm hàng đầu bên cạnh việc giải quyết tồn kho và xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã đề ra các định hướng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong thời gian tới như: phá băng BĐS bằng các biện pháp mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với các chủ đầu tư hỗ trợ gói tín dụng dài hạn cho người vay mua nhà, cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ, mua lại các dự án làm dự án nhà ở xã hội, ký túc xá…
Dần phục hồi
Mặc dù tình hình BĐS vẫn còn khá ảm đạm, chưa có luồng chủ đạo nào đối với thị trường BĐS, tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2013 thị trường BĐS có thể sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng mới với một số tín hiệu tích cực xuất hiện. Theo TS. Lê Chí Hiếu, có khả năng đến giữa năm 2013 thì các chính sách kích cầu và ổn định kinh tế của Chính phủ mới bắt đầu cho thấy hiệu quả, đồng thời quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới đi vào ổn định và vấn đề nợ xấu sẽ dần suy giảm.
Khi kinh tế có dấu hiệu khả quan, thu nhập người dân tăng lại thì niềm tin tiêu dùng và đầu tư mới được củng cố, dòng tiền sẽ bắt đầu quay lại thị trường BĐS mặc dù với tốc độ chậm. Về cơ cấu thị trường, nhóm sản phẩm giá thấp vẫn được vận hành tốt, hàng năm khoảng 500.000 thanh niên tiếp cận vào Hà Nội và TP.HCM và có nhu cầu mua nhà, đây là một nhu cầu có thực.
Do đó, đây sẽ là năm dành cho các nhà đầu tư táo bạo, còn nắm nhiều tiền mặt, có thể thu gom, mua lại nhiều dự án giá rẻ chờ thị trường phục hồi sẽ hưởng lợi. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ở khu vực Đông Á và Asean sẽ quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam .
Ông Đặng Đức Thành – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Căn nhà mơ ước cũng kỳ vọng trong quý IV năm 2013 thị trường BĐS sẽ khởi sắc và dần phục hồi với điều kiện Nhà nước tiếp tục tích cực giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho BĐS, giải quyết nợ xấu ngân hàng. Quan trọng hơn hết là tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS người có nhu cầu mua và người bán sẽ gặp nhau.
Hiện tại c hưa thấy một luồng tiền lớn ổn định tạo xung lực cho thị trường. Nếu nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS được kích hoạt, nguồn vốn trong nước cũng được khơi dậy. Khi đó, thị trường BĐS sẽ có xung lực mới. Bên cạnh đó, cũng cần phải tiếp tục xem xét mở rộng các đối tượng nước ngoài được phép mua nhà gắn với quyền sử dụng đất. Đây là một kênh quan trọng, dù phải rất thận trọng trong việc mở rộng đối tượng, nhưng cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường xung lực cho thị trường BĐS.
Thời điểm này, một số tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS đã xuất hiện. Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng có thể giải ngân lớn trong năm 2013. Nguồn đầu tư nước ngoài có triển vọng vận hành vào Việt Nam với dung lượng lớn. Các công cụ tài chính đã bắt đầu được đưa vào vận hành trong thực tiễn thị trường BĐS, mới đây nhất là quỹ đầu tư BĐS... Nếu tất cả những nguồn này được khơi dậy, đây sẽ là bước khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của thị trường BĐS.